Nguy hiểm từ giấy tiêu dùng kém chất lượng

Nguy hiểm từ giấy tiêu dùng kém chất lượng

| |Tin tức
Hiện nay, ngành công nghiệp giấy đã trở thành một trong 10 lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam. Việc quy hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2020 đặt mục tiêu xây dựng ngành kết hợp với công nghệ hiện đại; hình thành các khu vực sản xuất giấy, bột giấy tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo đó, sản lượng có thể đáp ứng 70% nhu cầu; kết hợp với việc xây dựng vùng nguyên liệu giấy để sản xuất 1,8 triệu tấn vào năm 2020; tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy tập trung, quy mô lớn.

Chống chọi với hàng kém chất lượng

Trong những năm qua, ngành giấy Việt Nam được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, có khả năng sản xuất được những mặt hàng đạt yêu cầu với chất lượng cao. Chẳng hạn như giấy in báo định lượng cao, giấy photocopy, giấy in, giấy viết có độ trắng cao, giấy bao bì có tráng phủ… đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong khu vực.

Đối với giấy tiêu dùng, mặc dù các sản phẩm đều đạt chất lượng tốt nhưng song song đó vẫn tồn tại những mặt hàng kém chất lượng. Những loại giấy này không có nhãn hiệu, bao bì, giá chỉ khoảng 1.000 đồng đến 2.000 đồng/cuộn, trong khi giấy có thương hiệu trên 3.000 đồng/cuộn. Chính vì vậy chúng vẫn được sử dụng nhiều bởi giá thành rẻ. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất giấy chia sẻ: “Thông thường các sản phẩm này lại khá cạnh tranh về giá do chi phí đầu vào của họ thấp từ việc sử dụng máy móc lạc hậu, dây chuyền nhỏ, hay sử dụng nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ không rõ nguồn gốc”. Vì thế, những doanh nghiệp sản xuất có uy tín không dễ dàng trong việc cạnh tranh. Nhất là khi người tiêu dùng không được cung cấp đủ thông tin để đánh giá chất lượng của các sản phẩm giấy.

Để làm ra sản phẩm, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thường sử dụng công nghệ lạc hậu. Họ tận dụng nguyên liệu phế thải, giấy vụn rồi ngâm vào bể xút cho mục ra. Sau đó là công đoạn dùng máy thủy lực nghiền nát thành bột. Để giấy thơm thì phun hóa chất vào mặt giấy là xong. Muốn có giấy trắng, chỉ cần tẩy bằng nước javel hoặc chất tiba phản quang. Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết nhiều cơ sở còn sử dụng clo nguyên tố, đây là loại chất cấm sử dụng.

Về cơ bản, nguyên liệu làm giấy là bột gỗ, giấy tái chế; khi tái chế phải qua các công đoạn như lọc rác, tạp chất; khử mực ra khỏi giấy; tẩy trắng… Hiện chỉ có sáu công ty có dây chuyền tái chế giấy hiện đại. Do vậy, các cơ sở sản xuất nhỏ không có công nghệ khử mực; tẩy và rửa chuẩn hóa; lọc tạp chất nên giấy thường lộm cộm, có nhiều đốm đen.

Hãy tự bảo vệ mình

Tuy nhiên, vấn đề là những cơ sở sản xuất giấy kém chất lượng vẫn có chỗ để kinh doanh, tồn tại. Một mặt, họ né tránh được sự quản lý, kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng. Mặt khác, người sử dụng vẫn khá dễ dãi trong việc tiêu dùng sản phẩm mà không biết rằng chúng có thể gây hại cho sức khỏe chính mình. Đến nay, BV Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận rất nhiều ca đỏ da dị ứng, viêm da, chàm âm đạo, viêm đỏ quanh hậu môn, nhiễm trùng tiêu hóa… Nguyên nhân liên quan đến giấy vệ sinh và giấy tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều loại khăn giấy đóng gói sẵn dùng sử dụng một lần nhưng chỉ số kích ứng cao, có thể gây dị ứng. Thậm chí với những người da mẫn cảm, sau khi sử dụng giấy ăn để lau mặt có thể bị viêm kết mạc. BS Ngô Kim Thanh, Chuyên khoa Da liễu và Tiêu hóa BV Chợ Rẫy, cho biết nếu giấy ăn không được xử lý các quy trình nghiêm ngặt, có thể bị nhiễm rất nhiều loại vi khuẩn thường trú trên các bề mặt khác nhau. Trong đó, những loại vi khuẩn sống được hàng chục năm trong đất. Khi vào đường tiêu hóa, chúng có thể gây ra những bệnh tiêu chảy kéo dài và khó xác định được nguyên nhân. Do vậy, để tự bảo vệ mình, bạn cần chú ý sử dụng những loại sản phẩm của nhà sản xuất có tên tuổi. Bởi chí ít họ cũng chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng kem bảo vệ da thích hợp; tránh tắm rửa quá mức để giữ lớp bảo vệ tự nhiên của da; hạn chế dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa. Bạn cũng có thể sử dụng kem làm ẩm để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng. Khi sức khỏe có biểu hiện bất thường, chúng ta nên đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị